Giỏ hàng

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mãng cầu xiêm

Mãng cầu xiêm có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau như đất phèn, đất phù sa ven sông, đất bãi bồi… đất có độ Ph đất từ 4,5 – 6,5.

Đất đào hố được làm tơi xốp, không đảo đất, lớp đất mặt để riêng, lớp đất sâu để riêng. Hố có chiều rộng: 40 – 60 cm, sâu từ 25 – 30 cm.

Tiến hành chuẩn bị đất trước 5 - 7 ngày để có thời gian phơi ải, diệt trừ sâu bệnh. Đồng thời bón vôi bột và bón lót phân chuồng hoai mục 2 - 3kg + phân lân 200g mỗi hố để cải tạo, bổ sung dinh dưỡng cho đất.

Đặt cây ghép gốc bình bát xuống hồ đất sau đó vùi đất thịt xung quanh chắc chắn sau đó tươm đẫm nước cho cây.

Đối với cây ươm bằng bầu, tháo bầu nhẹ nhàng, đặt chính giữa gốc, lấp đất xung quanh tạo thành một mô đất cao 10cm. Mỗi năm sẽ tiến hành bồi mô theo bán kính của tán lá.

Mãng cầu tuy sống ở nhiệt độ cao, khả năng chịu hạn tốt nhưng để cây sai nhiều trái cần tưới đủ nước. Nếu trồng vào đầu mùa mưa, bà con không cần tưới quá nhiều. Tháng mùa khô, tưới mỗi ngày một lần khi cây chưa ra trái.

 

Chú ý khi cây đang mang trái non cần tưới đủ nước, nếu thiếu nước cây sẽ bị rụng lá và rụng trái, quả nhỏ. Thời điểm ra trái nếu vào mùa khô thì tưới 2 - 3 lần/tuần.

Nếu trồng mãng cầu xiêm ghép gốc bình bát thì bà con có thể sử dụng nước ở độ mặn dưới 11‰ để tưới cho cây. Nhìn chung, đây là loại cây ăn quả khá dễ tính.

Mãng cầu xiêm là cây tiểu mộc cho quả lâu năm, cây có thể cao từ 6 - 8m nên cỏ dại hầu như không làm ảnh hưởng nhiều đến khả năng sinh trưởng của cây. Tuy nhiên, giai đoạn đầu và thời điểm bón phân, bà con cần có biện pháp làm sạch cỏ để tránh cỏ dại hút hết chất dinh dưỡng cây trồng.

Bên cạnh đó, bà con cần bón 10 - 15 kg phân chuồng hoai mục hoặc 5 kg phân hữu cơ vi sinh + 0,5 kg phân lân (lân nung chảy) + 0,5 kg vôi vào mỗi mô trồng.

Bón thúc chia ra từng giai đoạn, cụ thể: Năm đầu bón 10kg phân chuồng + 0,2 kg NPK 16-16-8/cây; Năm thứ hai bón 10kg phân chuồng + 0,5 kg NPK 16-16-8/cây; Năm thứ ba bón 15 kg phân chuồng + 0,7 kg NPK 20-20-15/cây. Các năm sau mỗi năm tăng lên 0,3kg và đến năm thứ 9 thì không tăng nữa.

Bón bổ sung 1 kg lân nung chảy vào đầu mùa mưa mỗi năm để thúc cây ra hoa trong mùa mưa và 0,2 kg kali vào cuối mùa mưa lúc cây tập trung nuôi trái. Nên chia phân bón khoảng 6 lần trong năm vì cây sinh trưởng, ra hoa đậu trái liên tục trong năm.

Để tăng tỉ lệ đậu quả bà con cần tiến hành thụ phấn bổ sung cho hoa theo phương thức thủ công. Trước tiên cần lấy phấn của hoa kích thước nhỏ hoặc hoa mọc ở đầu cành nhỏ. Một hoa lấy phấn có thể thụ được từ 6 - 8 bông hoa. Bà con quan sát bông hoa có 3 cánh trong nở hơi lớn, ở bên trong có tiểu nhị màu hơi đen nhạt. Khi các tiểu nhị bắt đầu tách rời thì cắt hoa lấy phấn. Cần tiến hành cắt hoa vào chiều và bảo quản trong hộp giấy. Sáng hôm sau bẻ hết cánh hoa, rũ để tiểu nhị rơi trên giấy, dùng tăm bông chà nhẹ lên tiểu nhị để tách hạt phấn ra khỏi túi phấn.

Sau đó, chọn hoa to mọc trên thân, cành chính, hoa không có sâu bệnh, phần cuống hoa to. Khi thấy 3 cánh hoa bắt đầu hé thì dùng tay mở nhẹ nhàng cánh, quan sát nếu thấy nướm nhụy cái tươm mật thì bà con tiến hành thụ phấn bổ sung cho hoa.

Kẹp chặt cuống hoa vào giữa ngón trỏ và ngón giữa, còn ngón cải sẽ mở nhẹ nhàng cánh hoa. Dùng tăm bông gòn đã có hạt phấn phết nhẹ nhàng lên nướm nhụy cái. Tiến hành 3 lần liên tiếp để tăng tỉ lệ thụ phấn và giúp trái phát triển đều, đẹp.

Sau từ 5 - 7 ngày, bà con quan sát những bông hoa đã thụ phấn nếu thấy cuống còn xanh, kích cỡ phát triển lớn hơn thì việc thụ phấn bổ sung đã thành công.

 

Các biện pháp phòng trị sâu bệnh

Bệnh thán thư, thối trái: Tác nhân do nấm gây hại trên tược non, hoa, trái non lẫn trái trưởng thành. Phòng trị: bằng các loại thuốc có hoạt chất như Carbendazim (Bavistin), Difenoconazole (Score), Propineb (Antracol), Tilt Super, Topsin M…

Các loài sâu ăn lá, bọ trĩ, nhện đỏ: Phun thuốc có hoạt chất Abamectin (Brightin, Vibamec, Reasgant), Emamectin (Vimatox, Acplant, Ematin) khi sâu có mật độ cao.

Rầy mềm, rệp sáp: Chích hút đọt non, hoa, trái làm cây giảm sức sinh trưởng và rụng hoa trái non, giảm giá trị trái lớn. Phòng trị bằng các thuốc trừ rầy rệp có hoạt chất như Imidaloprid, Acetamiprid, Chlopyriphos ethyl,…

Bệnh thối rễ, chết cành: Tác nhân gây bệnh là do sự kết hợp giữa nấm, tuyến trùng và rệp sáp. Thông thường khi cây mắc bệnh sẽ có biểu hiện như sinh trưởng kém dần, lá vàng nhợt nhạt, héo úa và rụng từ từ, chết nhánh, gây thương tổn trên thân. Nhất là rễ cái của cây bị hoại tử, thối đen, dẫn đến chết cây.

Cách phòng trị: Nên cắt tỉa tàn, nhánh bị bệnh, vệ sinh vườn và làm cỏ dại. Mặt khác sử dụng thêm một số loại thuốc đặc trị để xử lý rệp sáp, nấm; bón bổ sung thêm các phân bón trung vi lượng và phân NPK cần thiết nhằm cải tạo lại đất, hạ phèn, giúp rễ cây phát triển trở lại. Có thể sử dụng các loại thuốc trị nấm như Dakamon, Mancozeb 80WP và thuốc trừ rầy rệp có hoạt chất như Imidaloprid, Acetamiprid, Chlopyriphos ethyl,…Đối với tuyến trùng sử dụng thuốc Nokaph 10GR với liều lượng 40g/gốc, xử lý 1 lần vào thời điểm sau khi cắt tỉa, vệ sinh vườn đầu vụ.

 

Danh mục tin tức

Từ khóa

Facebook Instagram Youtube icon Zalo Top